Lý thuyết đại diện (Agency Theory)
Lý thuyết đại diện có nguồn gốc từ lý thuyết kinh tế, lý giải việc khi có sự tách biệt giữa quyền sở hữu với việc quản lý sử dụng nguồn lực dẫn đến vấn đề người quản lý có thể hành động theo lợi ích riêng của họ nhiều hơn so với lợi ích của chủ sở hữu, và được phát triển bởi Jensen và Meckling trong một công bố năm 1976. Jensen và Meckling (1976) cho rằng lý thuyết đại diện hay còn gọi là lý thuyết ủy quyền (Agency theory) tập trung vào mối quan hệ giữa bên ủy quyền (Principals) với bên đại diện (Agents), theo đó bên đại diện sẽ có một số quyền hạn nhất định dựa trên sự ủy quyền của bên ủy quyền.
Lý thuyết đại diện cho rằng xung đột lợi ích sẽ phát sinh khi có sự bất cân xứng thông tin (trạng thái bất cân bằng trong cơ cấu thông tin - các chủ thể giao dịch có mức độ nắm giữ thông tin không ngang nhau) giữa bên ủy quyền và bên đại diện.
Trong công ty cổ phần, mối quan hệ giữa bên ủy quyền và bên đại diện bao gồm mối quan hệ giữa chủ sở hữu (cổ đông) và nhà quản lý thông qua việc cổ đông ủy quyền điều hành doanh nghiệp cho nhà quản lý, và mối quan hệ giữa chủ nợ và cổ đông công ty thông qua việc chủ nợ ủy quyền cho cổ đông sử dụng vốn do chủ nợ cấp tín dụng.
Trong mối quan hệ giữa cổ đông và nhà quản lý, thông thường sự bất cân xứng thông tin xảy ra theo chiều hướng nhà quản lý sẽ biết nhiều thông tin hơn cổ đông, chẳng hạn thông tin về khả năng đạt được mục tiêu của công ty, những rủi ro hiện có của công ty.
Theo đó, nhà quản lý có thể đưa ra các quyết định nhằm mục đích tối đa hóa lợi ích cá nhân thay vì tối đa hóa giá trị doanh nghiệp. Chẳng hạn, các nhà quản lý sợ rủi ro sẽ bỏ qua các cơ hội mang lại lợi nhuận mà trong đó các cổ đông của công ty sẽ thích họ đầu tư, hay các nhà quản lý được trả lương thưởng dựa trên kết quả hoạt động kinh doanh thì có thể tìm mọi cách để đạt được kết quả kinh doanh tốt với mong muốn nhận được lợi ích từ đó.
Trong mối quan hệ giữa chủ nợ và cổ đông công ty, thông thường sự bất cân xứng thông tin xảy ra theo chiều hướng cổ đông công ty sẽ biết nhiều thông tin hơn chủ nợ, chẳng hạn thông tin về tình hình hoạt động kinh doanh của công ty, thông tin về khả năng trả nợ vay.
Nếu công ty sử dụng vốn vay không hiệu quả, có thể dẫn đến rủi ro cho chủ nợ là không thể thu hồi được vốn cho vay. Vì vậy, khi quyết định cho vay, các chủ nợ thường đánh giá rủi ro, mà chủ yếu là dựa vào tình hình tài chính của công ty được thể hiện trên báo cáo tài chính được kiểm toán. Một báo cáo tài chính thể hiện kết quả hoạt động tốt thường được các chủ nợ đánh giá là ít rủi ro và ra quyết định cho vay. Và nhà quản trị có thể thực hiện được điều này thông qua việc sử dụng các chính sách kế toán.
Như vậy, lý thuyết đại diện giải thích việc người quản lý thực hiện hành vi quản trị lợi nhuận trên báo cáo tài chính nhằm tối đa lợi ích của mình. Theo đó, trong nghiên cứu này, tác giả kỳ vọng rằng các công ty niêm yết được kiểm toán bởi Big4 sẽ có mức độ quản trị lợi nhuận thấp hơn các công ty niêm yết không được kiểm toán bởi Big4.